THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT THÁNG 3/2023
Nguyễn Thị Duyên
2024-05-19T00:33:25-04:00
2024-05-19T00:33:25-04:00
https://maiphu.locha.hatinh.gov.vn/vi/news/pho-bien-giao-duc-phap-luat/thong-tin-chinh-sach-phap-luat-thang-3-2023-111.html
/themes/kien/images/no_image.gif
Trang thông tin điện tử xã Mai Phụ
https://maiphu.locha.hatinh.gov.vn/uploads/banner-xa-mai-phu.jpg
Chủ nhật - 19/05/2024 00:33
I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.
Theo đó, bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:
- Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng so với hiện hành);
- Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng so với hiện hành);
- Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng so với hiện hành);
- Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng so với hiện hành).
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
2. Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
Theo quy định cũ tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Tại Thông tư số 06/2023/TT-BTC, quy định này được sửa đổi, bổ sung như sau: Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức đóng góp, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.Trường hợp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nguồn kinh phí thực hiện theo các Chương trình, Đề án đó.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng khác áp dụng Thông tư này do cá nhân, nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC
Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Cụ thể:
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Căn cứ đối tượng, điều kiện cử CBCC đi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, đào tạo sau đại học theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; căn cứ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ và các nguồn kinh phí khác, các cơ quan, đơn vị quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng CBCC được cấp có thẩm quyền có quyết định cử đi đào tạo;
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng để chi các hoạt động trực tiếp phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCC tại các cơ quan, đơn vị.
Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để chi: Hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Kinh phí hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC do các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương bảo đảm từ nguồn kinh phí thường xuyên được giao hàng năm.
Căn cứ phân loại đơn vị sự nghiệp công theo phương án tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quyết định một số mức chi, nội dung chi theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện đấu thầu, đặt hàng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2023.
3. Thông tư số 01/2023/TT-BTP quy định chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Việc xây dựng Thông tư nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 67/2020/QH14) liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quy định chế độ báo cáo, biểu mẫu thống kê số liệu trong xử lý vi phạm hành chính; tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thực hiện đơn giản hóa chế độ báo cáo, tạo thuận lợi cho việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Theo đó, Thông tư gồm 08 điều với nội dung cụ thể như sau:
* Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1)
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư này quy định chi tiết về chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: trách nhiệm báo cáo; kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo; hình thức và phương thức gửi báo cáo; mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo và việc chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo.
Chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Toà án nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc, gồm: Toà án nhân dân; Kiểm toán Nhà nước; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; tổ chức Thống kê tập trung; cơ quan Bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật.
* Về trách nhiệm báo cáo (Điều 2)
Thông tư quy định cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, trung thực, chính xác các nội dung trong mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu số liệu báo cáo và bảo đảm thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo. Đồng thời, Thông tư cũng quy định trách nhiệm tổng hợp, báo cáo của các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
* Về chế độ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ và thời hạn gửi báo cáo định kỳ (Điều 3)
Về chế độ báo cáo: Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm: (i) Báo cáo định kỳ; (ii) Báo cáo chuyên đề và (iii) Báo cáo đột xuất.
Về thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ, thời hạn gửi báo cáo định kỳ: Thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo về Bộ Tư pháp được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước (Nghị định số 09/2019/NĐ-CP). Đồng thời, Thông tư quy định cụ thể thời hạn gửi báo cáo của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
* Về hình thức báo cáo và phương thức gửi, nhận báo cáo (Điều 4)
Về hình thức báo cáo: Cùng với việc sử dụng hình thức báo cáo truyền thống bằng văn bản giấy, Thông tư còn quy định sử dụng hình thức báo cáo bằng văn bản điện tử có chữ ký số để phù hợp với chủ trương sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước.
Về phương thức gửi, nhận báo cáo: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan lập báo cáo, Thông tư quy định tương đối đa dạng và linh hoạt các phương thức gửi báo cáo đến cơ quan nhận báo cáo, phù hợp với điều kiện thực tế về các loại hình dịch vụ và phương thức giao nhận giấy tờ, tài liệu. Theo đó, Thông tư quy định các phương thức gửi, nhận báo cáo, cụ thể là: (i) Gửi trực tiếp; (ii) Gửi qua dịch vụ bưu chính; (iii) Gửi qua fax; (iv) Gửi qua hệ thống thư điện tử dưới dạng tệp ảnh (định dạng PDF) hoặc văn bản điện tử có ký số; (v) Gửi qua Hệ thống văn bản và Điều hành; (vi) Phương thức khác theo quy định của pháp luật.
* Về mẫu đề cương báo cáo và mẫu số liệu báo cáo (Điều 5)
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đơn giản hóa các mẫu, Thông tư quy định về mẫu đề cương báo cáo và các mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo hướng lược bỏ những chỉ tiêu báo cáo trùng lặp, không cần thiết, rút gọn tối đa các thông tin trong mẫu đề cương báo cáo và các mẫu tổng hợp số liệu báo cáo, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ quan lập báo cáo.
* Về việc chỉnh lý, bổ sung báo cáo (Điều 6)
Điều 6 Thông tư quy định về việc chỉnh lý, bổ sung báo cáo trong trường hợp có sai sót. Theo đó, trường hợp phải chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo, cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo đã được chỉnh lý, bổ sung, kèm theo văn bản giải trình rõ về việc chỉnh lý, bổ sung và phải có chữ ký xác nhận, đóng dấu. Trường hợp báo cáo bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, số liệu trong báo cáo và các biểu mẫu số liệu kèm theo thì báo cáo, biểu mẫu đó không có giá trị báo cáo.
* Về hiệu lực thi hành
Thông tư này bãi bỏ Điều 1, khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 3, Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Đồng thời, ban hành kèm theo Thông tư là Phụ lục mẫu đề cương báo cáo và các mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2023.
4. Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Thông tư này hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và không điều chỉnh việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng di tích hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa; quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội
Thông tư số 04/2023/TT-BTC quy định nguồn tài chính để tổ chức lễ hội gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội; hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; thu từ hoạt động dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội, bao gồm cho thuê địa điểm bán hàng lưu niệm, đồ ăn uống, quay phim, chụp ảnh, trông giữ xe, vận chuyển du khách và dịch vụ khác phù hợp với quy định của địa phương; tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại theo quy định; ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với lễ hội truyền thống (nếu có).
Nội dung chi tùy theo từng lễ hội bao gồm: Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá về lễ hội; chi phí treo, đặt các bảng, biển chỉ dẫn, trang trí, âm thanh, ánh sáng tạo sức hấp dẫn đối với khách tham gia, nghiên cứu lễ hội; chi phục dựng, trình diễn, biểu diễn và thực hiện nghi lễ truyền thống; chi ứng dụng khoa học, công nghệ trong tổ chức lễ hội; chi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội nghị, hội thảo và các sự kiện giới thiệu về giá trị văn hóa của lễ hội; chi công tác bảo đảm an ninh trật tự, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ trong khu vực lễ hội; chi văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu, tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, cước phí bưu chính, cước phí internet, lễ tân, khánh tiết, tiền sử dụng dịch vụ kỹ thuật, thuê địa điểm, thiết bị, nhân sự phục vụ sự kiện và thuê khác; chi thù lao cho các thành viên của Ban tổ chức lễ hội và những người được Ban tổ chức lễ hội cử tham gia hoạt động lễ hội; chi hương, hoa, lễ vật, đèn nhang; chi hoạt động từ thiện, nhân đạo; các khoản chi khác tùy theo thực tế của từng lễ hội. Mức chi do Trưởng ban Ban tổ chức lễ hội quyết định theo Quy chế tổ chức, tài chính lễ hội, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội
Theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC, tiền công đức, tài trợ được tiếp nhận qua các hình thức sau:
Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
Tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích gồm các khoản chi thường xuyên bao gồm: Chi tiền lương, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo tiền lương cho người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc tại di tích; chi thù lao cho người được cử trông coi hoặc cử tham gia các hoạt động tại di tích không thuộc đối tượng quy định tại điểm a Khoản này; chi thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin, liên lạc, hội nghị, công tác phí, chi phí nghiệp vụ chuyên môn, lễ tân, khánh tiết, chi phí thuê mướn; chi mua sắm, sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn; các khoản chi khác theo quy định của pháp luật và các khoản chi đặc thù bao gồm: Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá về di tích; chi phí treo, đặt các bảng, biển chỉ dẫn, trang trí, âm thanh, ánh sáng tạo sức hấp dẫn đối với khách tham quan, du lịch, nghiên cứu di tích; chi công tác bảo đảm an ninh trật tự, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; chi bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên di tích; chi tu bổ, phục hồi di tích (trường hợp chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ); chi bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc di tích gồm nhà làm việc, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, đường nội bộ, đường điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, tường rào khuôn viên và công trình tương tự khác phù hợp với quy định của pháp luật; chi ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan, du lịch, nghiên cứu di tích; chi trồng và chăm sóc cây hoa, cây cảnh trong phạm vi địa bàn di tích; chi phí về chuyển giao quyền tài sản theo quy định của pháp luật dân sự; bán đấu giá tài sản; thuê định giá kim khí quý, đá quý; thuê giám định hiện vật được phép mua bán, trao đổi, tặng cho theo quy định của pháp luật; chi hương, hoa, lễ vật, đèn nhang; chi hoạt động từ thiện, nhân đạo; các khoản chi khác tùy theo thực tế của từng loại di tích và chủ thể là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích.
Mức chi do người đứng đầu của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích quyết định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư này tiếp tục thực hiện quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền cho đến khi có Quyết định mới hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội áp dụng tại di tích theo quy định tại Điều 13 hoặc Điều 14 Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 3 năm 2023.
5. Thông tư số 01/2023/TT-BTTTT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương.
Thông tư này quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương và được áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương.
Vị trí công tác trong lĩnh vực TTTT định kỳ chuyển đổi gồm:
Lĩnh vực báo chí: Cấp, thu hồi giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, thành phố; kiểm tra các điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố
Lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử: Cấp Giấy chứng nhận việc sử dụng thiết bị thu tín hiệu phát thanh truyền hình trực tiếp từ vệ tinh cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp, thu hồi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp; sửa đổi, bổ sung; gia hạn; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cho các tổ chức, cá nhân địa bàn tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành: Cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp, cấp lại, cấp đổi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp Giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp phép đăng ký hoạt động cơ sở in trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp, cấp lại giấy phép hoạt động in trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp Giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp Giấy phép tổ chức triển lãm hội chợ xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố; cấp, cấp lại Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố; đăng ký sử dụng máy in có chức năng phô tô màu; chuyển nhượng máy in có chức năng phô tô màu; đăng ký sử dụng, chuyển nhượng máy phô tô màu, máy in có chức năng phô tô màu trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực bưu chính: Công tác cấp mới: cấp sửa đổi, bổ sung; cấp lại khi hết hạn; cấp lại khi bị mất, hư hỏng không sử dụng được; thu hồi giấy phép bưu chính; công tác cấp mới; cấp sửa đổi, bổ sung; cấp lại khi bị mất, hư hỏng không sử dụng được văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
Lĩnh vực CNTT: Thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố; thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ đối với đề cương, dự toán chi tiết nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước tại các cơ quan, đơn vị địa phương.
Vị trí công tác thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông định kỳ chuyển đổi được thực hiện theo Thông tư số 03/2021/TT-TTCP ngày 30/9/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương. Cụ thể các vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ định kỳ chuyển đổi gồm: vị trí làm công tác thanh tra; vị trí làm công tác tiếp công dân; vị trí làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; vị trí làm công tác phòng, chống tham nhũng; vị trí làm công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; vị trí làm công tác khác được quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương định kỳ chuyển đổi gồm: vị trí làm công tác thanh tra; vị trí làm công tác tiếp công dân; vị trí làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; vị trí làm công tác phòng, chống tham nhũng; vị trí làm công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.
Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2023/TT-BTTTT cũng quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 năm (36 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.
Bãi bỏ Quyết định số 54/2008/QĐ-BTTTT ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành danh mục các vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành Thông tin và Truyền thông phải thực hiện định kỳ chuyển đổi.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 03 năm 2023
6. Thông tư số 07/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định, theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Thông tư này áp dụng đối với người nộp phí; tổ chức thu phí; tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thu, nộp phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
Kê khai, nộp phí
Theo Thông tư số 07/2023/TT-BTC, người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 3 Thông tư này cho tổ chức thu phí khi nộp hồ sơ đề nghị thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.
Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC
Quản lý và sử dụng phí
Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 70% tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 30% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện thẩm định và thu phí, bao gồm cả: Chi phí kiểm tra, đánh giá tại cơ sở, tại địa điểm thực hiện dự án và tổ chức họp của hội đồng thẩm định (chi lấy ý kiến, bản nhận xét thẩm định, báo cáo thẩm định); mức chi theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí trong năm được trích để lại chưa chi được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 02 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 35/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí thẩm định không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản: Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ.
Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2023.
7. Thông tư số 11/2023/TT-BTC hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính.
Thông tư này hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động và mối quan hệ của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính (sau đây viết tắt là Hội đồng quản lý). Thông tư được áp dụng với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Nghị định số 120/2020/NĐ-CP); các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan việc thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý lĩnh vực tài chính.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý
Theo Thông tư số 11/2023/TT-BTC, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Hội đồng quản lý là đại diện của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Quyết định về chiến lược, kế hoạch trung hạn và hàng năm của đơn vị; quyết định chủ trương đầu tư mở rộng hoạt động, thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc; quyết định chủ trương về tổ chức bộ máy, nhân sự (trừ số lượng người làm việc thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức); thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị để trình cấp có thẩm quyền quyết định; thông qua báo cáo quyết toán tài chính hàng năm, thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, việc triển khai quy chế dân chủ, quyết định các vấn đề quan trọng khác của đơn vị theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu, nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý
Thông tư số 11/2023/TT-BTC quy định Hội đồng quản lý gồm: Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.
Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.
Chủ tịch Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn, bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có), Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm.
Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 (năm) năm.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2023.
8. 10 Thông tư hướng dẫn về xếp lương đối với viên chức ngành giao thông vận tải có hiệu lực từ 01/3/2023
Từ ngày 01/3/2023, 10 Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức ngành giao thông vận tải có hiệu lực, cụ thể:
- Thông tư 38/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải.
- Thông tư 39/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ đường thủy nội địa.
- Thông tư 40/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ hàng hải.
- Thông tư 41/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án hàng hải.
- Thông tư 42/2022/TT-BGTVT hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành giao thông vận tải trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực giao thông vận tải.
- Thông tư 43/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường thủy.
- Thông tư 44/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 11/2020/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành cảng vụ hàng không.
- Thông tư 45/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành đăng kiểm.
- Thông tư 46/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường bộ.
- Thông tư 47/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành kỹ thuật đường bộ, chuyên ngành kỹ thuật bến phà.
- Thông tư 49/2022/TT-BGTVT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường sắt.
II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH HÀ TĨNH
1. Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND ngày 07/02/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh Ban hành khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
2. Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 08/02/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về Bải bỏ quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 28/02/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.
Trên đây là một số văn bản pháp luật mới, Hội đồng PBGDPL huyện gửi các Đồng chí cán bộ, đảng viên tiếp cận để phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyền các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách.